30 năm qua, ông lê tấm thân nhiễm chất độc da cam vật lộn với ruộng đồng để nuôi hai người con điên dại và người vợ hen suyễn mãn tính. Bệnh con không thuyên giảm, cực chẳng đã, ông phải nhốt hai con vào hai căn chòi…
Phải tự tay mình xích, nhốt con trong hơn chục năm trời, đó là nỗi đau không thể thốt lên lời của đôi vợ chồng già khốn khổ.
Nhốt con để còn sức đi làm nuôi con
Đến UBND thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, hỏi nhà ông cựu chiến binh Nguyễn Văn Lượng, tôi được một anh công an viên dẫn vào. Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà cuối làng. Nhìn bề ngoài, ngôi nhà cũng bình yên giống như bao ngôi nhà khác trong làng, mọi chuyện chỉ bắt đầu bên trong cánh cổng.
Phải gọi đến 3 lần, tôi mới thấy người đàn bà gầy yếu, đội chiếc khăn mỏ quạ, nước da tái nhợt, lò dò ra mở cổng. Như để giải thích cho việc chậm trễ của mình, bà nói trong hơi thở gấp: “Khổ thế các bác ạ, cứ thời tiết thay đổi là cái bệnh hen suyễn lại hành hạ khiến tôi không làm nổi việc gì. Từ việc nhà đến việc đồng áng đều do một tay ông ấy”.
Dù đã được biết trước nhưng tôi vẫn không khỏi hốt hoảng. Hai căn phòng nhỏ đối diện nhau hướng ra khoảng sân dẫn vào nhà là nơi nhốt hai người con trai của ông bà Lượng. Cả hai đều là nạn nhân chất độc da cam, lây truyền từ người cha. Gọi là phòng nhưng thực chất nó giống như một chiếc chuồng ngựa, với diện tích khoảng 4-5m2, ba mặt được xây kín. Mặt còn lại quay ra sân được lắp một chiếc cửa sắt kiên cố. Nền lát gạch, nửa trong lát cao hơn khoảng 10cm để làm giường ngủ.
Căn phòng bên tay trái là nơi nhốt Nguyễn Văn Hội, sinh năm 1978. Thấy người lạ, Hội vẫn không thay đổi sắc mặt, bó gối nhìn ra ngoài sân với ánh mắt vô hồn. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ trong căn chòi.
Bà Vân cho biết, ngay từ khi mới được 3 tuổi, Hội đã có nhiều biểu hiện rất khác thường như gào khóc, co giật quằn quại, đôi khi còn cắn xé dữ dội. Thương con, ông bà đã chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của con không những không đỡ mà ngày một nặng thêm. Cứ thả ra là Hội lại bỏ nhà đi.
Còn căn phòng bên phải là nơi nhốt Nguyễn Văn Huy, người em kế tiếp của Hội. Ông Lượng cho biết, ngày còn nhỏ ông bà xích hai anh em vào một chân giường, nhưng khi chúng lớn lên, xích nào chúng cũng dứt đứt. Để yên tâm đi làm, ông Lượng đành xây hai căn phòng và nhốt 2 con vào đó. Hàng ngày, mọi sinh hoạt của các con, từ ăn ngủ đến vệ sinh, đều diễn ra tại chỗ.
“Tôi đã tính cả rồi, nhốt thế này là cách tối nhất để bảo vệ cho chúng. Vả lại tôi cũng yên tâm hơn để đi làm. Khổ nhất là những lúc thời tiết thay đổi, chúng lên cơn co giật, vợ chồng tôi mỗi người một phòng như đánh vật với các con. Đợt rét vừa rồi, lạnh như thế, mà cứ mặc cái áo nào là chúng lại xé hết”, người cha não nề nói.
“Chỉ mong chúng chết trước”
Ông Lượng là cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Chính những năm tháng chiến đấu đó, ông đã bị nhiễm chất độc da cam. Giờ đây, cứ mỗi khi trái gió trở trời là chất độc quái ác lại hành hạ ông. Gia cảnh khốn khó như vậy nhưng ông không biết kêu ai.
Ông cố bám lấy đồng ruộng để có lương thực nuôi cả gia đình. Nhưng rồi ruộng cũng bị người ta thu để làm khu công nghiệp. Tiền đền bù vào nhà ông như gió vào nhà trống.
Bà Vân đang bóc khoai cho con ăn
Hiện ông được trợ cấp chế độ nạn nhân chất độc da cam trực tiếp, hai con ông hưởng chế độ gián tiếp. Số tiền ít ỏi này không đủ cho gia đình ông sinh sống nên ông bà vẫn lê tấm thân già đi làm ruộng thuê kiếm sống. Thậm chí, người cựu chiến binh ấy phải đi cày thuê cuốc mướn cho những người làng bên.
“Chỉ mong cho chúng chết trước chúng tôi”, bà Vân vừa bóc những củ khoai lang đưa qua song sắt cho con vừa nói giọng chua chát. “Anh biết đấy, cả hai đứa đều không ý thức được, đến ăn cũng chẳng biết nói chi đến chuyện đi vệ sinh. Nếu chúng tôi chết đi rồi thì ai trông chúng nó!”.
Chúng tôi ra về cũng là lúc ông Lượng vác cày dắt bò ra đồng đề cày thuê. Trong nhà chỉ còn lại bà Vân và hai người con điên dại…
Trích:
Mọi sự giúp đỡ, chia sẻ xin gửi về:
1. Quỹ Nhân ái - Báo điện tử Dân trí - Số 2/48 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 04. 7366491 (máy lẻ 101)
2. Ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Hương Canh, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Lượng đã mệt mỏi với “cuộc chiến” cam go bất tất của đời mình. Trông vào chế độ không đủ, vợ chồng ông và hai người thanh niên, hai nạn nhân gián tiếp của chiến tranh, rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và những tấm lòng hảo tâm.